Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

T À I   L I Ệ U

Trang mạng Ðối Thoại (doi-thoai.com)
phỏng vấn Ls. Lê Thị Công Nhân về:

Chỉ Thị Báo Chí số: 37/2006/CT-TTg của Bộ Chính trị đảng CSVN

Thưa quý thính giả, sau khi đại họi APEC bế mạc, tuân hành chỉ thị của Bộ Chính trị đảng CS Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị số 37 vào ngày 29/11/2006 qui định một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí. Chỉ thị 37 có hai mục đích rõ rệt là quản lý truyền thông bà báo chí thuộc viện nhà nước vốn đã chặc chẽ lại càng chặc chẽ hơn và nhất quyết ngăn cấm báo tư nhân. Đối Thoại Online rất hân hạnh được luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội, phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam cho biết một số vấn đề liên quan đến chỉ thị 37 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Mời quý thính giả theo dõi phần trao đổi của chúng tôi sau đây:

Duy Khang: Thưa luật sư, như luật sư đã biết, theo chỉ thị của Bộ Chính trị thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị số 37 vào ngày 29/11/2006 về báo chí, qui định sự kiểm soát chặt chẽ truyền thông và báo chí, cũng như cương quyết không chấp nhận báo tư nhân. Như vậy thì phát xuất từ thực tế như thế nào mà Bộ Chính trị và thủ tướng Dũng đã quyết định như vậy, thưa luật sư?

Ls Lê Thị Công Nhân: Xin chào anh Duy Khang. Theo tôi thì trong bối cảnh nào mà nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra một chỉ thị đang gây xôn xao dư luận như vậy. Như chúng ta đều biết thì thông báo số 41 của Bộ Chính trị đã được ra đời vào ngày 11/10/2006, tức là trước hội nghị APEC một thời gian tương đối dài là khoảng 1 tháng rưỡi. Sau khi hội nghị APEC kết thúc cũng như Việt Nam đã được kết nạp vào WTO thì nhà cầm quyền Việt Nam mà cụ thể là chính phủ đã cho ra chỉ thị số 37 TTg ngày 29/11. Trong chỉ thị này thì có hai nội dung chính, đó là tăng cường quản lý triệt để tất cả các báo chí ở trong nước thuộc quyền quản lý của nhà nước. Thứ hai là một lần nữa nhà cầm quyền Việt Nam thể hiện môt thái độ ấu trỉ và ngoan cố, nhứt quyết không cho có báo chí tư nhân tại Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng việc này hoàn toàn không phải là vô tình mà đều đã được chuẩn bị vào sắp xếp kế hoạch cũng như thời điểm để công bố việc làm này.

Như tôi đã nói, chỉ thị 37 thì hoàn toàn ra đời trên cơ sở thông báo 41 của Bộ Chính trị mà thôi. Tại sao khi có thông báo này thì chỉ thị 37 chưa ra đời ngay? Có lẽ nhà cầm quyền Việt Nam người ta muốn cho sự kiện APEC cũng như việc Việt Nam gia nhập WTO được thuận lợi. Ngay sau đó, như tất cả chúng ta đều biết thì Việt Nam đã gia nhập WTO và thế giới rất quan tâm về vấn đề các giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu các ấn phẩm, báo chí cũng như văn học và những sản phẩm liên quan đến văn hóa – gọi tắt là văn hóa phẩm khac.

Trong quá trình đàm phán WTO, như chúng ta đã biết trong thông báo của Bộ Ngoại giao về nội dung chính đàm phán gia nhập WTO thì cũng đã nói rằng Việt Nam không cho tự do về báo chí, nhưng có lẽ vì nhà cầm quyền Việt Nam người ta vẫn cảm thấy có một cái gì đó bất an, rằng những cam kết đó chưa phải là triệt để lắm, cho nên nó cũng chỉ là mới quốc tế thôi, cho nên người ta cho ra đời chỉ thị 37 này nhằm đối phó phần lớn với mặt trận báo chí ở trong nước mà hiện nay đang có một khuynh hướng, theo tôi là không thể đảo ngược, đó là tự do hóa về báo chí.

Duy Khang: Với tư cách là một luật sư thì luật sư đánh giá chỉ thị 37 như thế nào về mục đích cũng như về phương diện pháp lý?

Ls Lê Thị Công Nhân: Cảm ơn anh, đây quả thật là một câu hỏi rất là hay. Trước mặt tôi là hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992 hiện nay có hiệu lực thực thi. Có thể nói ngắn gọn một câu thôi là chị thị 37 này là một sự thể hiện sự độc tài tuyệt đối của đảng CSVN trên hệ thống bộ máy nhà nước của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là hệ thống hành pháp (tức chính phủ) cũng như hệ thống tư pháp. Gần như tất cả các hệ thống này, kể cả lập pháp, quốc hội đều nằm hoàn toàn dưới quyền cai trị của đảng CSVN mà cơ quan có quyền lực nhất chính là Bộ Chính trị. Tôi nói vậy là vì sao? Như chúng ta đều biết, quốc hội trong pháp luật thì được qui định là một cơ quan quyền lực cao nhất của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam thì cũng có một qui định như vậy, và hiến pháp là luật cao nhất trong tất cả các luật, còn gọi là luật gốc hoặc luật mẹ trong hệ thống pháp luật của một quốc gia. Và tất cả văn bản luật khác đều nằm dưới hiến pháp và đều phải tuân thủ hiến pháp. Nếu nó trái với hiến pháp thì người ta gọi đó là vi hiến và cần phải được loại bỏ ngay.

Là một luật sư thì tôi xin khẳng định với những hiểu biết cá nhân của mình rằng chỉ thị 37-TTG ngày 29/11/2006 là hoàn toàn vi hiến. Nói vậy là vì sao? Tôi xin trích dẫn điều 33 hiến pháp Việt Nam năm 1992:

Ðiều 33
Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nghiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam.

Vậy thì điều 33 này có lẽ là cũng không cần gì phải phân tích nhiều hay bàn cãi, nó đã nói rất rõ. Đó là nhà nước có nghĩa vụ là phải phát triển báo chí và thông tin. Bên cạnh đó nhà nước có thẩm quyền cấm những hoạt động văn hóa và thông tin làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và những vấn đề liên quan đến đạo đức v.v… Đó không có nghĩa rằng là nhà nước cấm hoặc không cho phép báo chí tư nhân phát triển.

Ở đây chúng ta phải hiểu nguyên tắc của pháp luật là phía cơ quan công quyền thì chỉ được thực thi những gì nằm trong sự cho phép mà thôi. Còn công dân cũng như với những tổ chức tư nhân thì người ta được quyền làm tất cả những gì không cấm.

Vậy thì điều 33 của hiến pháp đã nói rất rõ trách nhiệm của nhà nước là phải phát triển thông tin báo chí, truyền thanh và tất cả những loại hình báo chí khác. Tôi xin được trích dẫn một điều nói rõ hơn để cho thấy tính vi hiến của chị thị số 37. Đó chính là điều 60, 69.

Điều 60 thì liên quan ở phương diện rộng hơn một chút. Điều 60 hiến pháp Việt Nam qui định:

Ðiều 60
Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.

Ở đây chúng ta quan tâm tới khía cạnh sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác. Ở một khía cạnh, báo chí cũng thuộc lãnh vực của hoạt động văn hóa.

Tiếp theo tôi xin trích dẫn điều 69. Điều 69 hiến pháp Việt Nam là một điều khoảng rất ngắn gọn và qui định rất cụ thể và đầy đủ những quyền liên quan đến báo chí của công dân mà cụ thể là tư nhân. Điều 69 ghi:

Ðiều 69
Công dân VN có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Vậy mà trong chỉ thị 37CT-TTg vừa mới được ra đời thì lại có một điều khoản không thể nào chấp nhận được và hoàn toàn vi phạm pháp luật, vi phạm ở đây là vi phạm bộ luật mẹ của cả quốc gia – đó là hiến pháp.

Tại điểm D điều 2 của chỉ thị 37 ghi rằng:
Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại cho đất nước.

Như thế nào là lợi dụng báo chí để phục vụ lợi ích riêng hoặc gây tổn hại cho đất nước thì thiết nghĩ việc làm này của Bộ Văn hóa thông tin hoặc của những cơ quan an ninh bây giờ người ta làm, theo tôi thì đã rất triệt để và chặt chẽ, phục vụ cho lợi ích của đất nước cũng như đảng CSVN rồi.

Vậy ở đây vấn đề là kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức. Điều này đã xâm phạm vào quyền được tự do báo chí của tất cả công dân Việt Nam cũng như của mỗi một công dân Việt Nam – là một quyền đã được hiến định bởi điều 69 của hiến pháp Việt Nam.

Bên cạnh đó thì tôi cũng xin được trích dẫn Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc năm 1966 mà Việt Nam đã là thành viên tham gia vào ngày 24/9/1982. Về nguyên tắc thì trong hệ thống pháp luật nội địa của một đất nước thì không ai có quyền ép buộc một quốc gia tham gia một điều ước quốc tế, nhưng nguyên tắc vàng của luật quốc tế đó là khi mà anh đã tham gia thì anh phải tuân thủ. Vấn đề là Việt Nam đã tham gia công ước của LHQ về các quyền dân sự cũng như quyền chính trị và luật Việt Nam cũng qui định rất rõ nếu như giữa luật quốc nội và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và ký kết có những sự mâu thuẩn hoặc trái ngược thì ưu tiên áp dụng theo nguyên tắc là luật quốc tế áp dụng trước hết và trên hết. Chính vì vậy tôi xin được trích dẫn điều 19 của Công ước LHQ về các quyền dân sự và chính trị năm 1966:

Ðiều 19:
1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.

3. Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:

a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.

b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

Như những điều vừa rồi thì chúng ta đều thấy rõ chỉ thị 37 đã vi phạm nghiêm trọng không những luật của chính nhà cầm quyền Việt Nam ban hành mà cả luật quốc tế. Ở đây chúng ta phải phân biệt hai khía cạnh khi chúng ta nhìn vào một điều luật. Thứ nhất là việc ban hành một văn bản pháp luật hoặc điều luật như vậy nó có đúng trình tự tư pháp, luật pháp của một quốc gia hay không, và đã được kiểm tra hay chưa. Và trong mối quan hệ của hệ thống văn bản pháp luật của một quốc gia thì nó cũng có quan hệ với pháp luật quốc tế, ở đây cụ thể là những điều ước quốc tế, là tên gọi chung của công ước quốc tế hoặc là những thỏa thuận quốc tế, mà quốc gia đó đã tham gia. Cái thứ hai chúng ta mới quan tâm đến, đó là nội dung của điều luật là như thế nào.

Cho nên ở đây, ngay từ vấn đề hình thức của văn bản pháp luật này cũng như trình tự của mối quan hệ pháp lý giữa các văn bản khác thì chỉ thị 37 này đã thể hiện sự sai lầm nghiêm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam là nó đã vi hiến, tức là vi phạm chính pháp luật của nội địa Việt Nam và vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Câu hỏi này thuần túy mang tính chất pháp lý cho nên tôi trả lời có phần khô khan, mong quý vị thông cảm.

Duy Khang: Xin luật sư cho biết ảnh hưởng của chỉ thị 37 đối với báo chí và truyền thông thuộc diện nhà nước quản lý như thế nào?

Ls Lê Thị Công Nhân: Hiện giờ chúng ta cũng đã thấy rằng nó đã gây những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ báo giới, đây là cả báo giới ở trong nước cũng như giới làm báo của quốc tế đang có mặt tại Việt Nam và cũng đã gây những phản ứng không phải nhỏ đối với báo giới quốc tế đang không có mặt tại Việt Nam.

Cá nhân tôi thì cho rằng quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận là quyền đầu tiên của nhân quyền là cũng là quyền có chức năng như một phương tiện để thực hiện những nhân quyền khác. Vậy mà một chỉ thị với nội dung như vậy thì từ trước tới nay chúng ta đều biết hơn 600 tờ báo của Việt Nam vẫn đã và đang nằm dưới một tên gọi là “quốc doanh”, tức là sự kiểm soát của nhà nước là tuyệt đối. Tôi cũng thấy khó hiểu vì nếu tôi là nhà cầm quyền Việt Nam thì không cần thiết phải cho ra đời thêm một chỉ thị 37 như thế này làm gì. Bởi vì hiện tại, như chúng ta đã biết ở tại Việt Nam cũng làm gì đã có báo chí tư nhân. Nhưng có lẽ là chỉ thị này đã được ra đời trong một bối cảnh việc Việt Nam gia nhập WTO đã xong và người ta bắt đầu có những hoạt động thực tế, những giao dịch thực tế đối với thế giới về khía cạnh thương mại mà trong đó những giao dịch thương mại về văn hóa phẩm mà trong đó báo chí là một phần lớn.

Tôi nghĩ rằng chỉ thị 37 này là một sự bất công rất lớn đối với báo giới Việt Nam. Báo giới Việt Nam trong thời gian qua chúng ta cũng phải ghi nhận là họ đã có những đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước cũng như đóng góp vào một công cuộc mà trước hết là đã chỉ ra những điều xấu, những điều sai của các cơ quan công quyền, trong việc chống tham nhũng, chống tiêu cực của bộ máy hành chánh nhà nước. Và hơi thở tự do thì đang được thổi vào rộng khắp báo giới của Việt Nam. Mặc dù chịu sự quản lý gần như tuyệt đối của nhà nước nhưng khuynh hướng đó trong khoảng 5 năm trở lại đây thì đã mang đến niềm lạc quan tích cực cho báo giới.

Và tôi nghĩ rằng chỉ thị này giống như – không phải là một gáo nước lạnh – mà là một sô nước lạnh tạt vào mặt của báo giới Việt Nam. Khi có rất nhiều người, thậm chí còn đang nghĩ đến việc cổ phần hóa các tờ báo hoặc tự mình cho ra đời những tờ báo riêng v.v…

Người ta nói đến sự bất công là ở chỗ nếu như những tờ báo hiện đang được nhập khẩu một cách chính ngạch vào Việt Nam thì đa phần chúng ta đều biết, đều là của những tập đoàn truyền thông tư nhân hoặc hoặc của những hãng thông tấn tư nhân. Vậy thì tại sao báo chí tư nhân của nước ngoài, người ta có một thị trường rất lớn tại Việt Nam như vậy, người ta cũng có một cơ hội rất lớn để phát triển nghề nghiệp, phát triển kỹ năng của người ta thì chỉ thị 37 này lại đập bẹp tất cả những điều đó đối với báo giới của nội địa Việt Nam.

Việt Nam có gần 9,000 nhà báo làm cho hơn 600 tờ báo. Vậy thì bao giờ báo giới Việt Nam mới có một sự tự do phát triển, sáng tạo và có một phong cách cũng như một bản lĩnh, một trình độ báo chí tương đương với khu vực ĐNÁ thôi, chưa nói đến thế giới. Điều này sẽ gây nên một sự thiệt thòi rất lớn cho báo giới Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng những nhà báo của Việt Nam không phải người ta không có khả năng để có thể học tập hoặc phát triển năng lực của mình để có thể phấn đấu phát triển ngang hàng với các nhà báo ở trình độ quốc tế.

Chỉ thị này, theo tôi, nó sẽ làm lụi tàn đi rất nhiều những ý tưởng hoặc những niềm mong muốn phát triển và sáng tạo của báo giới Việt Nam.

Cái này là một ảnh hưởng mà tôi muốn nhấn mạnh là trước tiên nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với báo giới quốc nội đang hành nghề dưới qui định của pháp luật CSVN hiện nay.

Duy Khang: Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay đang có 3 tờ báo tư nhân. Thứ nhất là tờ Tự Do Ngôn Luận do linh mục Chân Tín làm Tổng biên tập, tờ Tự Do Dân Chủ do nhà văn Hoàng Tiến làm Tổng Biên Tập, và tờ Tổ Quốc có sự hiện diện của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Thưa luật sư, những tờ báo này chịu ảnh hưởng của chỉ thị 37 như thế nào ạ?

Ls Lê Thị Công Nhân: Về khía cạnh pháp lý thì như thế này. Ba tờ báo mà anh vừa nêu tên là những tờ báo có thể nói là đặc biệt nhất của đất nước Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là bởi vì nó không được nhà cầm quyền Việt Nam thừa nhận. Chúng ta cứ nói thẳng ra là “báo chui” – vâng, nó là một tờ báo chui. Ở đây tôi chưa xét về nội dung mà là hình thức thôi, mà tại sao nó lại là báo chui. Là bởi vì những thủ tục để có được một giấy phép do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành thì những tờ báo này chắc chắn là sẽ không bao giờ có được giấy phép đó.

Về nội dung thì chắc chúng ta khỏi phải bàn. Những tờ báo này đều là những tờ báo lương tâm, đều là những tờ báo có tính chất từ thiện, không hề vì một lợi nhuận gì cả và đều có một nội dung chung, đó là phát biểu chính kiến và lương tâm của những người có trách nhiệm với đất nước, đang nhìn thấy đất nước lâm nguy trước nạn độc tài của đảng CSVN và họ đòi hỏi, yêu cầu và họ đấu tranh cho một nền dân chủ đa nguyên tại Việt Nam.

Chỉ thị 37 này ra đời sau khi 3 tờ báo đó đã được phát hành trong nước mà cụ thể có một tờ phát hành là báo giấy là Tự Do Ngôn Luận.

Đến thời điểm này với một chỉ thị như vậy, tôi đang nói thuần túy về mặt pháp lý thôi thì có lẽ cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến 3 tờ báo đó. Bởi vì sao? Trước khi có chỉ thị này, hay sau khi có thì 3 tờ báo này – thời điểm chúng ta đang trò chuyện thì vẫn là 3 tờ báo không được nhà nước thừa nhận và là những tờ báo chui.

Nhưng thực tế với một tuyên bố rất ngoan cố như vậy của nhà cầm quyền Việt Nam trong chỉ thị 37 thì chắc chắn trong thực tế 3 tờ báo mà chúng ta vừa nêu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Chắc chắn là những người đứng tên trong ban biên tập sẽ phải chịu những sóng gió đầu tiên.

Bởi vì 600 tờ báo của Việt Nam có những phát triển rất lớn trong khoảng 5-6 năm gần đây nhưng tuyệt đối những tờ báo này gần như không đả động gì đến vấn đề yêu cầu có một nền dân chủ tại Việt Nam. Thường là những tờ báo chuyên ngành, hoặc về văn hóa, xã hội, vui chơi giải trí hoặc kỹ thuật thuần túy v.v… Tất nhiên thỉnh thoảng cũng có một vài bài mang tính chính trị - Nhưng tôi xin nhắc lại là chỉ mang tính chính trị nói chung, chớ chưa có một bài viết hoặc một tờ báo nào dám đưa ra một yêu cầu là đất nước cần phải có dân chủ và đa nguyên.

Lạc quan thì tôi vẫn lạc quan bởi vì như tôi đã nói, 3 tờ báo này có trước, và sau chỉ thị 37 thì vẫn là những tờ báo không được công nhận hợp pháp. Nhưng lo lắng một chút thì cũng có. Bởi vì trên cơ sở chị thị 37 này thì người ta sẽ ra tiếp những nghị định để pháp hiệu hóa chỉ thị đó.

Và trên cơ sở đó mà những cơ quan bảo vệ cho nền độc tài của đảng CSVN, người ta sẽ làm những việc để đàn áp 3 tờ báo này. Riêng cá nhân tôi thì tôi lại nghĩ đến một khía cạnh hơi khác một chút, là chúng ta chưa có được những việc làm đàn áp thực tế từ khi chỉ thị 37 này ra đời. Bởi vì đến hôm nay thì nó chỉ có được chưa tới một tuần. Nhưng sức phản ứng của thế giới đã thể hiện.

Chính nhà cầm quyền Việt Nam đã giơ xấu bộ mặt của họ cho thế giới xem mà chẳng cần những người đấu tranh dân chủ hoặc phong trào đấu tranh dân chủ trong quốc nội cũng như ở hải ngoại người ta phải lên tiếng nhiều về chỉ thị này.

Chúng ta theo dõi báo chí trong nước trong những ngày qua, nhất là báo chí điện tử thì chúng ta thấy rằng họ đã phản ứng hết sức dữ dội. Nhưng chỉ có điều là mức độ công khai hay chính thức thì chưa được nhiều. Chúng ta phân biệt hình thức cũng như mức độ của sự phản ứng. Mức độ, theo tôi thì hết sức kinh khủng chỉ có điều sống trong quốc nội này thì lời ăn tiếng nói phải hết sức cẩn trọng thôi.

Tôi cảm thấy đây, xét ở một gốc độ nào đó có phần lạc quan và mỉa mai vì nó như là một món quà mà đảng CSVN tặng cho phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam. Một bằng chứng hết sức sống động chính là chỉ thị 37 này cho thấy việc nhà cầm quyền Việt Nam hết sức ngoan cố để ôm lấy, giữ chặt lấy quyền quản lý thông tin. Chỉ cho biết những gì mà đảng CS muốn cho người dân biết mà thôi – và cũng không cần gì nhiều. Một sự phản ứng quá gay gắt và mãnh liệt hiện nay đối với phong trào dân chủ trong nước. Chính việc làm này của nhà cầm quyền CSVN đã vô tình đẩy báo giới – hợp pháp và công khai – tại Việt Nam hiện nay đứng về phe dân chủ, theo một phương diện nào đó, cho dù cá nhân một vài người chưa chắc là đã muốn lắm.

Nhưng việc làm này nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến quyền lợi của những người làm báo, cũng như những người đang hết sức giàu có mà có ý tưởng muốn có những tờ báo riêng của mình.

Nói chung là tôi không cảm thấy quá bi quan hay tiêu cực về chỉ thị 37 này.

Duy Khang: Theo luật sự thì phong trào dân chủ Việt Nam trong nước đã có phản ứng nào về chỉ thị 37 chưa ạ?

Ls Lê Thị Công Nhân: Trước đây, cũng như hiện nay thì phong trào đấu tranh dân chủ chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để có thể xóa bỏ dần dần sự bưng bít thông tin đã được nhà cầm quyền CSCN tạo dựng trong suốt bao năm dài đằng đẳng vừa qua. Việc bưng bít thông tin đó đã làm cho dân tộc chúng ta bị lạc hậu, bị ấu trỉ đi rất nhiều bởi vì không có những thông tin đa chiều và đa dạng để có thể phát triển được sự hiểu biết cũng như trình độ kiến thức và trí óc của mình.

Như tôi đã nói, việc tố cáo những việc làm sai trái, những việc đàn áp phong trào đấu tranh trong nước từ phía nhà cầm quyền Việt Nam thì chúng tôi làm một cách trường kỳ và thường xuyên. Chỉ thị 37 này, tự nhà cầm quyền Việt Nam, như tôi đã nói, giơ mặt xấu của họ cho cả thế giới biết. mà phong trào đấu tranh dân chủ trong nước cũng không cần phải làm gì nhiều để cho thế giới người ta tự phản ứng về việc này. Mà trước hết là báo giới quốc nội người ta sẽ phản ứng.

Đến thời điểm hiện nay thì các tổ chức cũng như những cá nhân đấu tranh công khai trong phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam, ví dụ như Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, Khối 8406, các đảng chính trị phi cộng sản tại Việt Nam như Đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21, Đảng Dân Chủ Nhân Dân và Đảng Thăng Tiến mà tôi hiện là người phát ngôn. Chúng tôi chưa có một văn bản chính thức nào để thể hiện phản ứng của mình về chỉ thị 37 này.

Về cá nhân của từng người thì chúng tôi đều chưa đưa ra một phát ngôn chính thức nào để phản ứng lại chỉ thị 37 này, có chăng là những cuộc phỏng vấn. Thái độ đó cũng không có gì là khó hiểu cả bởi vì chúng tôi thiết nghĩ trong 4, 5 ngày vừa qua thì cũng chưa cần có một phản ứng mạnh mẽ từ phía chúng tôi. Nó cũng giống như một thời gian “tạm nghỉ” để cho thế giới và báo giới quốc nội Việt Nam người ta phản ứng với chính quyền Việt Nam là đủ rồi.

Nhưng tất nhiên, trước mắt chúng ta cũng chưa biết điều gì có thể xảy đến và những mưu mẹo, những sự lương lẹo của nhà cầm quyền Việt Nam thì nó đã thể hiện quá nhiều bằng chứng trong quá khứ rồi. Phong trào đấu tranh dân chủ sẽ luôn hết sức tỉnh táo và cảnh giác để chuẩn bị cho những trường hợp xấu có thể xảy ra.

Mặc dầu vậy nhưng chúng tôi cũng luôn nhìn nhận một sự việc hoặc một hiện tượng nào đó trong một bối cảnh tổng thể - tức là đối chiếu với trong nước cũng như nhìn ra sự quan hệ với chính trường quốc tế để có thể nhận biết và có thể rút ra được những kết luận, đánh giá sáng suốt để có những hành xử phù hợp và đúng lúc.

Cho đến thời điểm này cá nhân tôi cũng nghĩ là như vậy. Những cuộc phỏng vấn hoặc trả lời trên phương diện cá nhân thì đã có nhiều, nhưng chưa có phản ứng chính thức nào bằng văn bản của phong trào đấu tranh dân chủ trong nước đối với chỉ thị. Bởi vì chúng tôi muốn cho thế giới phản ứng trước đã rồi chúng tôi có nói sau thì cũng không có gì là muộn.

Duy Khang: Chúng tôi, Duy Khang, xin thay mặt cho độc giả và thính giả của Đối Thoại Online xin cám ơn luật sư Lê Thị Công Nhân đã dành thì giờ chia sẻ quan điểm của luật sư với chỉ thị 37 của thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến truyền thông, báo chí và ra báo tư nhân. Trước khi dứt lời, luật sư có điều gì cần trình bày thêm với độc giả và thính giả của Đối Thoại Online?

Ls Lê Thị Công Nhân: Tôi chỉ muốn nói một điều ngắn gọn là cuộc đấu tranh để giành tự do dân chủ cho Việt Nam chắc chắn sẽ còn dài và muôn vàn những khó khăn. Tôi mong rằng với sự quan tâm, sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại hải ngoại và trước tiên chính là vấn đề thông tin báo chí và hỗ trợ về tinh thần sẽ góp một phần lớn, một phần cực kỳ quan trọng để có thể truyền bá, phổ biến về cuộc đấu tranh dân chủ cho toàn thể người dân ở trong nước biết.

Cuộc phỏng vấn hôm nay thì cũng liên quan trực tiếp đến những công việc mà chúng tôi đang làm trước tiên, và cũng gần như là một nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng thời điểm này là duy nhất để Việt Nam có một nền dân chủ, đó là chúng ta phải phá bỏ được sự bưng bít thông tin và độc quyền về tự do ngôn luận, báo chí của nhà cầm quyền Việt Nam.

Chỉ khi nào chúng ta làm được việc đó thì đa số hơn 80 triệu dân Việt Nam mới có thể biết một cách thật sự về phong trào đấu tranh dân chủ này một cách đầy đủ nhất và từ đó người ta sẽ có những hiểu biết và sự quan tâm đúng đắn dành cho phong trào này.

Tôi cũng mong lực lượng người Việt của chúng ta tại hải ngoại có cuộc sống hết sức thoải mái và tự do, có những phương tiện về mặt kỹ thuật rất tốt và những trình độ và những kỹ năng về thông tin, báo chí tốt như vậy thì chúng ta cũng sẽ góp phần liên lạc và thông tin với báo giới quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế, chính phủ nước ngoài về hiện trạng đấu tranh dân chủ tại Việt Nam một cách kịp thời và đầy đủ bằng chính báo chí, cụ thể là báo chí trên mạng như thế này.

Như cá nhân tôi đây, tôi biết đến phong trào đấu tranh dân chủ trong nước một phần lớn là cũng qua mạng internet. Và tôi mong rằng ngày càng có nhiều những tờ báo hay, tốt và trung thực như tờ Đối Thoại để phổ biến được nhiều hơn, giúp nâng cao dân trí của người Việt Nam.

Cá nhân tôi rất thích một câu, đó là “trong sự dối trá, chúng ta chỉ có một điều duy nhất – đó là dốt nát. Và sự thật, dù có phủ phàng đến mấy thì cũng đáng được trân trọng”.

Tôi xin được cám ơn báo Đối Thoại (doi-thoai.com) đã dành cho tôi thời gian để tâm sự và trò chuyện với quý vị và xin hẹn gặp lại vào dịp khác.

Duy Khang: Quý thính giả đang theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với luật sư Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội và là phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam liên quan đến vấn đề chỉ thị 37/2006/CT-TTg của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Xin hẹn gặp lại quý thính giả.

........................................................................................................................................
www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- le cong dinh (Monday, July 2, 2007 at 05:46:28)
Luat su Le Thi cong Nhan la mot nguoi con gai dung cam, mong dat nuoc co nhieu nguoi nhu Chị
- Nguyen Tuan Huy (Saturday, December 16, 2006 at 22:40:13)
Ý kiến của LS Lê Thị Công nhân về Chỉ thị 37 cấm báo chí tư nhân hoạt động là rất xác đáng . Chỉ thị này rỏ ràng là vi phạm Hiến pháp hiện hành do chính người CS ban hành. Cần loại bỏ để không mang tiếng xấu với nhân dân và quốc tế.
- Chu Kính (Wednesday, December 6, 2006 at 19:18:57)
Cám ơn Trang mạng Đối Thoại và Luật sư Lê Thị Công Nhân đã cho chúng tôi một bài phỏng vấn hay. Luật sư đã trình bầy vấn đề rất mạch lạc, chứng tỏ một sự am tường sâu sắc về luật pháp Việt Nam. Tôi chỉ có một ý nghĩ khá khôi hài là tội nghiệp cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Rõ ràng là ông ta đã cho ra một cái chỉ thị tào lao. Dù tạm bỏ qua khía cạnh nhân bản và những mục đích chính trị, Chỉ thị Báo chí số 37 mà ông ta vừa ký đã đủ cho người ta thấy ông ta, cùng tác giả (hay các tác giả) của cái chỉ thị này là những người cực kỳ yếu kém về kiến thức và suy diễn luật pháp.

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.