Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

T À I   L I Ệ U

Vấn Đề Tranh Chấp Trường Sa :
                         Hậu Quả Của Những Sai Lầm Chiến Lược

Trương Nhân Tuấn-Marseille, Pháp Quốc 28-07-2007

I. Những nạn-nhân trực-tiếp :
Theo tin BBC loan báo ngày 20 tháng 7 năm 2007 “tàu hải quân Trung Quốc hôm 9/7 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách TP Hồ Chí Minh 350km làm cho một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương”. Ngày hôm sau RFA xác-nhận tin này sau khi trích bản tin của hãng tin Kyodo (Nhật Bản). Trên bản-đồ, địa-điểm xảy ra biến-cố thuộc vùng biển ở giữa vùng Trường-Sa và bờ biển Việt-Nam.

Biến-cố xảy ra đã 2 tuần-lễ nhưng phía Việt-Nam và Trung-Quốc hoàn-toàn im-lặng (cho đến thời-điểm viết bài này). Việc im lặng của hai phía đã không làm người ta ngạc-nhiên. Cả hai (tức hai đảng cộng-sản) chỉ giải-quyết vấn-đề theo lối “anh em đóng cửa dạy nhau”, không cho người ngoài xen vào, nhưng mọi người đều biết là anh ba Trung-Quốc luôn “giao-thiệp nghiêm-khắc” với đám em út Việt-Nam.

Nhớ lại biến-cố vịnh Bắc-Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005, hải-quân Trung-Cộng “giao thiệp nghiêm khắc” xả súng bắn chết 9 ngư-dân Việt-Nam cư-ngụ tại các làng chài lưới vùng Thanh-Hóa, bắt đi 8 người khác và tịch-thu một thuyền đánh cá (xảy ra ở điểm có tọa-độ 19° 16’ vĩ-độ Bắc và 107° 06’ kinh-độ Ðông, chiếu theo hiệp-định phân-định vịnh Bắc-Bộ tháng 12 năm 2000, điểm này thuộc hải-phận Việt-Nam). Rõ ràng đây là hành động của hải-tặc. Hải-quân Trung-Quốc xâm-phạm chủ-quyền của Việt-Nam lại còn giết người, cướp của, nhưng phía Trung-Quốc “nghiêm-khắc” dạy nhà-nước VN rằng chính những ngư-nhân Thanh-Hóa mới là hải-tặc. Vụ việc này đến hôm nay không ai biết được đã giải-quyết ra sao, các nạn-nhân được đền bồi thế nào ?

Ngày hôm nay những ngư-dân Việt-Nam đánh cá trong vùng biển của mình cũng bị Trung-Quốc “nghiêm khắc giao thiệp” bằng súng ống. Biến-cố xảy ra tại vùng biển cách Sài-Gòn 350km, tức cách bờ biển VN khoảng 250km, tức ở giữa vùng Trường-Sa và bờ biển Việt-Nam. Vị-trí này nằm trên thềm lục-địa của Việt-Nam chứ không thuộc hải-phận (nếu có) của các đảo thuộc Trường-Sa. Nên biết, việc xảy ra trong vùng biển này không phải chỉ mới lần đầu mà đã có nhiều lần tương-tự trong quá-khứ. Điều 1 của bộ “luật biên giới quốc gia” năm 2003 qui-định : “Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điều luật liên-quan đến Hoàng-Sa và Trường-Sa phù-hợp với lịch-sử Việt-Nam và thực-tế công-pháp quốc-tế. Các ngư-nhân Việt-Nam đánh cá trong vùng biển xảy ra biến-cố là đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt-Nam.

Tuy-nhiên, Đại-Tá Lê Phúc Nguyên, phó Tổng-Biên-Tập báo Quân-Đội Nhân-Dân, trả lời phỏng-vấn với báo The Straits Times (Tân-Gia-Ba) được BBC ghi lại ngày 19 tháng 7: “Ngư dân rất khó mà biết được đâu là lằn ranh chính xác giữa hai bên. Thế nhưng không nên dùng vũ lực trên biển vì việc này sẽ chỉ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn mà thôi”

“Lằn ranh” mà ông Nguyên nói là lằn ranh nào ? Đã có phân-định lãnh-hải chưa mà nói đến “lằn ranh” ? Lãnh-hải chưa phân-định sao lại nói đến “lằn ranh chính xác giữa đôi bên” ? Nhưng khi nói đến “phân-định” thì đã gián-tiếp công-nhận tính hợp-lý và hơp-pháp của đối-tượng tranh-chấp. Bọn cướp vào cướp đất, cướp đảo, cướp biển của mình, bây giờ mình “phân-định” với nó, vạch ra “lằn ranh”, mình một bên, nó một bên à ? Phát biểu của ông Nguyên không khác những lời phát-biểu ngu-xuẫn, thiển-cận, theo lối tự bắn vào chân mình, của các viên-chức cao-cấp như Ung Văn Khiêm, Lê Lộc (1956) và Phạm Văn Đồng (1958) dưới thời Hồ Chí Minh. Một trong các chứng-cớ mà Trung-Quốc dựa lên để đòi hỏi chủ-quyền Hoàng-Sa và Trường-Sa là các lời tuyên-bố hàm-hồ, vô trách-nhiệm của các ông này. Nay mai sẽ có thể có tên của ông đại-tá Nguyễn Phúc Nguyên trong danh-sách ấy !

Ông Nguyên cũng nói “không nên dùng vũ lực trên biển vì việc này sẽ chỉ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn mà thôi”. Trung-Quốc thường-xuyên dùng vũ-lực trên biển nhưng đã dẫn đến “vấn-đề nghiêm-trọng” nào ? Đài-Loan cách đây không lâu cũng tập-trận bằng đạn thật trên đảo Ba-Bình (Itu Aba, thuộc Trường-Sa), xây ra-đa, làm lại phi-trường, công-sự chiến-đấu… trên đảo nhưng Việt-Nam đã làm được gì Đài-Loan ? Phía Nam-Dương cũng thế, vừa rồi bắn chìm thuyền và gây tử thương nhiều ngư dân VN, nhưng có việc nào “nghiêm-trọng” đã xảy ra đâu ? Thực sự sẽ không có việc gì nghiêm-trọng xảy ra cả, lý-do rất đơn-giản : Việt-Nam không có một khả-năng đối-kháng nào, hải-quân Việt-Nam đối với Trung-Quốc, Nam-Dương, Đài-Loan… là đứa bé sơ-sinh trước những anh khổng-lồ.

Ở một nước mà nhà-nước có trách-nhiệm, các biến-cố (tai-nạn) tương-tự đều được giải-quyết một cách minh-bạch và theo luật-pháp, các nạn-nhân phải được đền-bồi đầy đủ, quốc-gia phía sai-quấy phải có công-hàm chính-thức xin-lỗi gia-đình và quốc-gia các nạn-nhân. Ở đây ta thấy nhà-nước Việt-Nam, dầu đã tỏ ra rất côn-đồ trong việc giải-quyết các vụ dân oan bị cán-bộ đảng cộng-sản cướp đất trong những ngày trung tuần tháng 7-2007 vừa qua, nhưng lại tỏ ra khiếp-nhược đến mức hèn-hạ trước những nước hùng-mạnh khác. Có nhiều triệu-chứng cho thấy biến-cố ngày 9 tháng 7 năm 2007 sẽ như biến-cố trong vịnh Bắc-Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005. Những nạn-nhân vô-tội sẽ bị Trung-Quốc vu-cáo là hải-tặc, rồi mọi việc sẽ chìm vào quên lãng.
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến những vạt dầu không biết từ đâu liên-tục trong nhiều tháng (đầu năm 2007) từ ngoài khơi tràn vào bờ biển miền Trung VN, chạy dài từ Quảng-Bình cho đến Phan-Thiết, gây ô-nhiễm môi-sinh và làm thiệt-hại lớn lao cho kinh-tế của những người dân sống trong vùng. Nhà-nước VN hôm nay vẫn không biết nguồn-gốc các vết dầu loan ấy đến từ đâu. Vừa qua ông thủ-tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng sẽ nhờ Nhật-Bản truy-tầm nguồn các vết dầu đã gây ô-nhiễm ấy nhưng đến nay chưa thấy công-bố kết-quả. Chắc-chắn các vệ-tinh của Nhật-Bản không mù-lòa và bất-lực như nhà-nước VN. Họ đã biết các vạt dầu ấy từ đâu đến, nhưng nhà-nước VN không công-bố vì sợ phản-ứng mạnh của Trung-Quốc.

Qua các lời tố-cáo trước đây, tháng 5 năm 1992, TC ký với công ty Crestone, Hoa Kỳ để tìm dò một khu-vực 25.000 km2 thuộc lãnh-hải Việt-Nam, nằm về phía tây quần-đảo Trường-Sa (thuộc bãi Tu-Chính, không thuộc nhóm Trường-Sa) và chỉ cách bờ biển Việt-Nam khoảng 250Km. Tháng 3 năm 2004 Trung cộng mang dàn khoan KANTAN 3 vào trong hải-phận Việt-Nam, thuộc vùng cửa vịnh Bắc-Việt để thăm-dò. Khu-vực mục tiêu nằm ở tọa độ 17 độ 25’ 42 ‘’, vĩ độ Bắc, 108 độ 19’05’’ kinh độ Đông, cách bờ biển Việt-Nam 63 hải-lý, và cách đảo Hải-Nam 67 hải-lý. Tháng 8 năm 2006, Trung-Quốc đã cho khai-thác giếng dầu Hóa-Quang, thuộc khu-vực Hoàng-Sa, cách Đà-Nẵng 230km v.v…

Phía Việt-Nam có lên tiếng phản-đối lấy-lệ nhưng Trung-Quốc đã bất-chấp những phản-đối này và ngang-nhiên khai thác những mỏ dầu trên thềm lục-địa Việt-Nam hoặc thuộc lãnh-hải Việt-Nam.

Như thế, chắc-chắn là các giếng dầu của Trung-Quốc khai-thác đã làm tràn dầu gây ô-nhiễm cho bờ biển các tỉnh miền Trung của Việt-Nam. Vấn-đề đặt ra : Chủ-quyền vùng khai-thác đã xác-định chưa ? Việt-Nam sẽ phản-ứng ra sao nếu vùng Trung-Quốc hiện khai-thác thuộc Việt-Nam ? ai sẽ bồi-thường những thiệt-hại cho dân-chúng và tái-tạo lại môi-trường bị ô-nhiễm tại các vùng bị dầu loang ?

II. Trung-Quốc và quan-niệm “không-gian sinh-tồn”
1/ Không-gian sinh-tồn, tạm dịch từ “L’Espace Vital”, tác-phẩm nghiên-cứu về “địa-lý chính-trị” – Géopolitique – nổi tiếng của Ratzel xuất-bản năm 1902, đề-cập 7 định-luật liên-quan đến sự bành-trướng của một quốc gia: Định-luật 1. Không-gian (sinh-tồn) của một dân-tộc được mở rộng đồng-thời với văn-minh của dân-tộc đó. Một dân-tộc có nền văn-minh tiến-bộ sẽ đồng-hóa các dân-tộc kém văn-minh hơn. 2. Lãnh-thổ quốc-gia sẽ phát-triển theo tỉ-lệ thuận với sức mạnh kinh-tế và đội-ngũ thương-buôn của quốc-gia cũng như chủ-thuyết phát-triển quốc-gia. Việc bành-trướng vì thế chỉ tùy-thuộc vào ý-chí và phương-tiện. 3. Việc bành-trướng của một đế-quốc được thực-hiện qua cách “hấp-thụ và tiêu-hóa” các nước nhỏ. 4. Đường biên-giới quốc-gia không xác-định (frontière vivante). Biên-giới xác-định chỉ có giá-trị tạm-thời, chỉ để đánh dấu giữa hai giai-đoạn bành-trướng. 5. Trong quá-trình bành-trướng, đất (bây giờ là biển) là mục-tiêu chính. 6. Mục-tiêu bành-trướng là các quốc-gia yếu-kém ở kế-cận. Sự bành-trướng của đế-quốc không thể tiến-triển nếu quốc-gia lân-bang cũng là cường-quốc. 7. Hiện-tượng bành-trướng có khuynh-hướng lan rộng do việc tranh-dành lãnh-thổ của các quốc-gia.

Những nhà chiến-lược hiện-đại cho rằng lý-thuyết “địa-lý chiến-lược” của Ratzel là sơ-khai, lỗi-thời, tuy-nhiên, ở một số điểm cơ-bản lý-thuyết này vẫn còn nguyên giá-trị cho đến ngày nay. Tranh chấp lãnh-thổ Do-Thái và Palestine là một thí-dụ điển-hình. Lý-thuyết này cũng đã ảnh-hưởng rất sâu-đậm lên nhiều thế-hệ lãnh-đạo Trung-Hoa, như Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào v.v… Tưởng Giới Thạch có tuyên-bố về “không-gian sinh-tồn” của Trung-Quốc như sau : “le territoire de l’Etat chinois est délimité par les besoins de son exitance et par les bornes de sa culture” , lãnh-thổ của Trung-Quốc định-nghĩa theo họ Tưởng là được xác-định bằng văn-minh cũng như những cần thiết để dân-tộc này hiện-hữu. Như thế bao gồm hầu hết các nước Đông-Nam Á. Các học-giả Tây-Phương gọi Trung-Quốc là một “Empire sans voisin”, một đế-quốc không có nước láng-giềng.

Lý-thuyết của Ratzel cũng ảnh-hưởng đến một số các lãnh-tụ đảng-phái quốc-gia Việt-Nam.
Mặt khác, ngoài lý-thuyết của Ratzel, các nhà lãnh-đạo Trung-Quốc sau này cũng ảnh-hưởng sâu đậm đến lý-thuyết của Alfred Mahan (1840-1904) về địa-lý chính-trị. Bài học bị phân-liệt bắt đầu từ 1840, kéo dài đến cả trăm năm đã làm cho nhiều lớp trí-thức ái-quốc Trung-Hoa ý-thức được cái hay của học-thuật Tây-Phương. Theo lý-thuyết này hải-quân đóng vai-trò trọng-yếu trong quá-trình bành-trướng của một quốc-gia.

Từ 1949 đến nay Trung-Quốc đã nỗ-lực liên-tục để hiện-đại hóa hải-quân của họ.

2/ Bảy định-luật của Ratzel, ngoài định-luật số 2, hoàn-toàn chứng-nghiệm cho dân-tộc Hán từ lập-quốc đến ngày hôm nay. Định-luật 1 : Nền văn-minh Hán-Tộc đã đồng-hóa tất cả các dân-tộc khác, kể các các dân-tộc dũng-mãnh đã chiếm-hữu và trị-vì Trung-Quốc. Văn-hóa các dân-tộc Mãn-Châu, Mông-Cổ, Liêu, Kim… đã không còn dấu vết ở Trung-Quốc. Định-luật 3 : Dân-tộc Hán luôn bành-trướng và tiêu-diệt (hay Hán-hóa) tất-cả các dân-tộc khác. Hiện nay việc đồng-hóa đang được thực-hiện ráo-riết tại Tây-Tạng. Đặc-biệt hai định-luật số 5 và 6 phản-ảnh rõ-rệt thái-độ bành-trướng của Trung-Quốc ngày hôm nay : Trung-Quốc xem vùng biển Đông của Việt-Nam là “không-gian sinh-tồn” của dân-tộc Hán ; Trung-Quốc không bao giờ muốn thấy một Việt-Nam giàu mạnh. Một nước Việt-Nam giàu, mạnh sẽ ngăn-cản sức bành-trướng của Trung-Quốc.

Các thế-hệ lãnh-đạo Trung-Quốc từ đầu thế-kỷ 20 cho đến nay đều có chung quan-điểm này. Họ luôn tìm cách làm cho Việt-Nam suy-yếu để thực-hiện nhu-cầu bành-trướng. Mục-tiêu trước tiên là chiếm biển Đông và kéo Việt-Nam vào vòng ảnh-hưởng của họ. Ta thấy Nam-Hàn, Nhật-Bản đã ý-thức hiểm-họa đến từ Trung-Quốc. Hai nước này muốn hiện-hữu phải “mạnh”, hay phải dựa vào một thế lực mạnh. Theo thuyết của Samuel P. Huntington về “Sự Đụng-Độ của các nền văn-minh”, nguyên-nhân đụng-độ đến từ tranh-chấp biển Đông, sau đó Nhật-Bản ngả về phía Trung-Quốc, lúc đó là một đại-cường. Lý-thuyết này phần nhiều chủ-quan, nhưng không thể bỏ qua. “Chủ-Nghĩa nước nhỏ” vì thế sẽ không thể hiện-hữu được ở các nước láng-giềng của Trung-Quốc. Định-mạng đã xếp dân-tộc Việt-Nam ở kế-cận Trung-Quốc, vì thế phải thật khéo-léo. Nếu Việt-Nam không đủ mạnh thì phải dựa vào một thế-lực mạnh khác (như trường-hợp Đại-Hàn, Đài-Loan và Nhật-Bản) để tự-vệ, nếu không chắc-chắn sẽ không tránh được hấp-lực của Trung-Quốc.

3/ Trung-Quốc không muốn một Việt-Nam thống-nhất và mạnh. Trong thời chiến-tranh 1954-1975 mọi người đều biết Trung-Quốc sẵn-sàng giúp súng-đạn cho CSVN đánh Mỹ đến người Việt-Nam cuối cùng. Ngay sau khi thống-nhất 1949, Trung-Quốc có cả một sách-lược đào-tạo các cán-bộ tương-lai lãnh-đạo Việt-Nam. Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng thuộc đội-ngũ cán-bộ này. Vì thế chính-trị đối-ngoại của Việt-Nam trong một thời-gian rất dài luôn phù-hợp với quan-niệm địa-lý chiến-lược của Trung-Quốc. Người ta ca-ngợi nhiều về tư-tưởng của ông Hồ Chí Minh (vận-dụng từ tư-tưởng quốc-tế Marx-Lenin), cho nó có một giá-trị thực-dụng dựng nước bất-khả tranh-nghị và đưa nó lên hàng tư-tưởng chiến-lược phát-triển quốc-gia. Nhưng đây là một sai lầm lớn, vì nếu xét tỉ-mỉ thì tư-tưởng của ông Hồ luôn phù-hợp với chính-sách bành-trướng của Trung-Quốc. Người ta cho rằng ông Hồ là người “yêu nước”, nhưng quan-niệm về quốc-gia của ông Hồ là một cái gì rất không rõ-rệt : “Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa”. Nhiều học-giả nước ngoài phê-bình Việt-Nam lấy đất nước để xây dựng XHCN trong khi Trung-Quốc lấy XHCN xây-dựng đất nước. Trong tư-tưởng của ông Hồ người ta thấy thấp-thoáng một “chủ-nghĩa nước nhỏ”, đu giây giữa hai thế-lực áp-đảo là Liên-Xô và Trung-Quốc, khai-thác những mâu-thuẩn của hai thế-lực này để thực-hiện mưu-đồ cá-nhân và làm tròn bổn-phận của một thành-viên quốc-tế vô-sản gương-mẫu. “Chủ-nghĩa nước nhỏ” của ông Hồ đã trở thành «chủ-nghĩa chư-hầu”, cam chịu lệ-thuộc, làm tay chân cho Nga và Tàu bành-trướng chủ-nghĩa hơn là tự-chủ và độc-lập dân-tộc. Việt-Nam đã có lần mang danh “thành đồng cách-mạng vô-sản” là một bằng-chứng. Nhưng vấn-đề của ông Hồ không nằm trong phạm-vi bài viết này.

Trung-Quốc cũng là một trong những tác-nhân chánh trong vấn-đề Việt-Nam chia cắt tại vĩ-tuyến 17. Theo nhiều nhân-chứng ghi lại, trong cuộc-chiến (1954-1975) phía Bắc-Kinh luôn chủ-trương 2 nước Việt-Nam và họ đã làm nhiều thủ-thuật để gây trở ngại cho phe miền Bắc trong các chiến-dịch tiến-công miền Nam. Ngay sau khi Hoa-Kỳ rút khỏi miền Nam, trong những ngày cuối cùng, Bắc-Kinh đề-nghị với một số lãnh-đạo miền Nam, thông qua tòa đại-sứ Pháp, Trung-Quốc sẽ dàn quân trên biên-giới Việt-Trung làm áp-lực, ép Hà-Nội rút quân và ngồi vào đàm-phán. Làm thế vì Trung-Quốc không bao giờ muốn một Việt-Nam thống nhất.

Sau 1975, chủ-trương của Trung-Quốc là muốn có một Việt-Nam suy-yếu ở phía Nam. Trong khoảng thời-gian 1975-1978 Việt-Nam say men chiến-thắng, dựa vào Liên-Xô hống-hách với Trung-Quốc. Trung-Quốc liên-minh với Hoa-Kỳ bao vây Việt-Nam, ngăn-chắn sự bành-trướng của Liên-Xô. Cuộc chiến 10 năm Kampuchia, Đặng Tiểu Bình giúp-đỡ tận-tình Khmer đỏ, chủ-trương “làm cho VN chảy máu đến chết”. Đây là cái bẩy hiểm-độc mà Đặng Tiểu Bình gài cho lớp lãnh-đạo “phản-phúc” ở Hà-Nội. Theo nguyên thứ-trưởng bộ Ngoại-Giao Trần Quang Cơ, qua hồi-ký năm 2002, đây là một thất-bại vô cùng lớn về ngoại-giao của Việt-Nam. Đúng ra đây không phải là một thất bại ngoại-giao, mà phải nói là một sai lầm chiến-lược của nhóm lãnh-đạo Hà-Nội.

Thực-tế và lịch-sử cho thấy Khmer đỏ của tập-đoàn Pol Pot là một lũ diệt-chủng, cả thế-giới kinh-tởm và lên án. Hiện nay có nhiều nỗ-lực vận-động một tòa-án đặc-biệt để xử các hung-thần Khmer đỏ hiện còn sống-sót nhưng còn gặp nhiều trở ngại. Lý ra, khi can-thiệp vào Kampuchia, Việt-Nam đã có vai trò của một anh hùng cứu dân độ thế. Thế nhưng hầu như cả thế-giới lúc đó chống lại Việt-Nam. Thái-độ hung-hăng của Việt-Nam, quá thân Liên-Xô, đòi đánh cả Thái-Lan, đã làm cho khối ASEAN và Hoa-Kỳ ủng-hộ lập-trường Trung-Quốc, giúp Khmer đỏ, bao-vây Việt-Nam về mọi mặt . Hậu-quả sai-lầm này vẫn còn ảnh-hưởng sâu-đậm đến Việt-Nam hôm nay.

4/ Lãnh-đạo CSVN không có viễn-kiến. Khi Liên-Xô sụp-đổ đầu thập niên 90, thay vì nhanh-chóng lập quan-hệ ngoại-giao với Hoa-Kỳ, thiết-lập trục chiến-lược Do-Thái - Ấn-Độ - Việt-Nam – Nhật-Bản để tìm thế đối-trọng, lãnh-đạo Việt-Nam lại quyết-định khấu đầu hướng về thiên-triều, liên-kết với Trung-Quốc để bảo-vệ thành-trì xã-hội chủ-nghĩa, xem Hoa-Kỳ là kẻ thù chiến-lược. Đây là một sai-lầm về chiến-lược khác của Hà-Nội, đã dẫn Việt-Nam vào vòng kềm-tỏa của Trung-Quốc, kéo đất nước trì-trệ thêm hàng thập niên so với các nước trong vùng. Theo hồi-ký Trần Quang Cơ, thủ-phạm của sai-lầm chiến-lược lần này là Đỗ Mười và Lê Đức Anh.
Trong việc giao-thương với Hoa-Kỳ, Trung-Quốc luôn tìm cách phá-bỉnh, vụ ngưng ký hiệp-ước thương-mãi với Hoa-Kỳ, để cho Trung-Quốc ký trước, năm 2000 là một thí-dụ. Trung-Quốc không muốn Việt-Nam có quan-hệ chặt-chẽ với Hoa-Kỳ. Trung-Quốc biết rằng chỉ có Hoa-Kỳ mới có thể giúp Việt-Nam phát-triển bắt kịp các nước rồng, hổ trong vùng.
Khuynh-hướng chính-trị hiện nay của đảng CSVN thông qua ông Nông Đức Mạnh, là tiếp nối con đường của Đỗ Mười và Lê Đức Anh, đã làm Việt-Nam trì-trệ hàng 20 năm và đẩy Việt-Nam lệ-thuộc ngày thêm sâu-đậm vào Trung-Quốc. Công việc chính của ông Tổng Bí-Thư họ Nông là xem việc nhà, việc làng to hơn việc đảng, xem việc đảng to hơn việc quốc-gia. Việt-Nam sẽ phải trì-trệ thêm nhiều năm nữa.

5/ Bành-trướng ra biển Đông.
Ngoài mục-tiêu phải làm Việt-Nam suy-yếu, Trung-Quốc hiện-đại hoá quân-đội của họ, nhất là hải-quân, để bành-trướng ra biển Đông.

Năm 1949, Trung-Quốc cho công-bố một bản-đồ, trong đó lãnh-hải của Trung-Quốc bao gồm tất cả các đảo Đài Loan, quần đảo Senkaku (Điếu-Ngư), Pescadores (Bành-Hồ), Pratas (Đông-Sa), Macclesfield Bank (Trung-Sa), Paracel (Tây-Sa tức Hoàng Sa của Việt-Nam) và Spratley (Nam-Sa, tức Trường Sa của Việt-Nam). Đường xác-định lãnh-hải chỉ cách bờ biển của Việt-Nam, Phi-Luật-Tân, Mã-Lai, Brunei khoảng 50 đến 100km. Năm 1974, Trung-Quốc sử-dụng vũ-lực tấn-công Hoàng-Sa và chiếm quần-đảo này từ tay Việt-Nam Cộng-Hòa. Tháng 3 năm 1988, Trung-Quốc cho tàu đổ bộ vào chiếm 6 rạng đá nhỏ vùng rạng đá Chữ Thập (Recif Croix de Feu – Fiery Cross), bắn chìm 3 tàu Việt-Nam, gây thiệt mạng 74 chiến-sĩ. Vào tháng 2 năm 1992, Trung-Quốc ra Luật Lãnh-Hải Trung Quốc (Chinese Territorial Waters Law) qui-định rõ các đảo và quần-đảo nói trên thuộc Trung-Quốc. Ngày 21 tháng 5 cùng năm, Đài-Loan ra luật lãnh-hải có nội-dung tương-tự. Nói thêm là trong vụ đánh chiếm các vị-trí của Việt-Nam tại bãi Chữ-Thập, Trung-Cộng đã được quân Đài-Loan đóng tại đảo Ba-Bình giúp-đỡ về vật-chất như nước uống. Trung-Quốc đã cho xây tại đây một căn-cứ quân-sự có dạng tương-tự như một chiếc hạm.

Năm 1992, Trung-Cộng đánh chiếm thêm một vị-trí của VN trên Trường-Sa là đảo d’Eldad Reef (đá En Đát), tổng-số đảo chiếm đóng là 9. Tháng 2 năm 1995, Trung-Quốc cho xây công-sự trên vùng bãi đá Vành-Khăn (Mischief), giống như công-sự xây trên đá Chữ Thập.

Hiện nay hải-quân Trung-Quốc có khoảng 76 chiến hạm (so với Hoa-Kỳ là 100 chiến hạm và 11 mẫu-hạm) nhưng khôngTrung-Quốc không có hàng-không mẫu hạm nào. Trung-Quốc cũng có khoảng 60 tàu ngầm, một số tàu này được trang-bị hỏa-tiễn siêu-thanh của Nga để tấn-công hàng-không mẫu hạm. Nhưng việc so-sánh hải-quân hai nước Hoa-Kỳ và Trung-Quốc sẽ khập-khểnh. Mục-tiêu của Trung-Quốc chỉ ở biển Đông, Đài-Loan và Châu Á trong khi mục-tiêu Hoa-Kỳ là giữ vị-trí hàng đầu thế-giới. Trung-Quốc không ngừng tăng ngân-sách quốc-phòng. Những năm sau này, mức gia-tăng mỗi năm là 18%. Năm 2005, Trung-Quốc tuyến-bố chi 45 tỉ đô-la cho quốc-phòng, nhưng thực ra con số này lớn hơn rất nhiều. Trung-Quốc hiện nay cũng có nhiều tàu đổ bộ, có khả năng vận chuyển 150 người với vận-tốc 120km/giờ và họ đang nghiên cứu tàu đổ bộ 450km/giờ chuyên-chở 500 người. Đảo Phú-Lâm (Hoàng-Sa) được xây phi-đạo dài 2.800m, xây nhiều nhà hầm chứa phi-cơ có khả năng chứa hơn 20 phi-cơ SU 27. Khu đá Vành-Khăn cũng được xây-dựng lại ; vị-trí thiên-nhên của bãi đá này (dài 8km, rộng 6,5km) trung-tâm là vùng nước sâu và êm, có thể được dùng làm cảng trú-ẩn của một hàng-không mẫu-hạm, chung-quanh được bao bọc bằng các công-sự chiến-đấu. Vì thế, với khả-năng hiện có, hải-quân Trung-Quốc có thể chiếm và giữ bất-kỳ một vị-trí nào trên biển Đông.

Trung-Quốc bành-trướng như thế, trên đất thì lấn đất, dưới biển thì dành biển, cướp hải-đảo. Hiện nay việc phân-định biên giới trên đất liền vẫn chưa xong, nguyên-nhân đưa đến sự trì-trệ này là vì Trung-Quốc đòi chủ-quyền tại một vùng đất thuộc Việt-Nam, vùng này có mỏ urani .
Thái độ của Việt-Nam ra sao ?

III. Qui-tắc hành-sử 2000.
Việt-Nam hoàn-toàn bất-lực, chỉ dựa vào chính-trị để xoa-dịu Trung-Quốc. Vũ khí duy-nhất để Việt-Nam tự-vệ hiện nay là…. Qui-Tắc Hành-Sử 2000.

“Qui-Tắc Hành-Sử - Code de Conduite” đã được các nước ASEAN đề-nghị vào tháng 3 năm 2000 với các nước có tranh-chấp tại Trường-Sa – đặc-biệt là với Trung-Quốc - có các nguyên-tắc như sau : Các nước quan-hệ cam-kết : 1/ không sử-dụng vũ-lực và giải-quyết những tranh-chấp bằng những nỗ-lực hòa-bình. 2/ Cam-kết giữ nguyên-trạng (statue quo) và không làm điều gì có thể gây trở-ngại thêm (những tranh-chấp tại Trường-Sa). 3/ Giữ những quan-hệ đối-thoại và trao đổi thông-tin giữa các bên. 4/ Ngưng mọi việc thăm-dò và khai-thác liên-quan đến dầu-hỏa và khí đốt. 5/ Thông-báo mọi cuộc thao-diễn quân-sự cũng như mọi cuộc chuyển quân trong vùng. 6/ Phi-quân-sự hóa và thay-thế những nhân-viên quân-sự tại đây bằng nhân-viên dân-sự. 7/ Hợp-tác trong chiều-hướng bảo-đảm an-ninh cho thuyền-bè qua lại trong vùng. 8/ Hợp-tác để chống hải-tặc và buôn bán trái phép ma-túy, vũ-khí. 9/ Hợp-tác trong các công-tác khoa-học và bảo-vệ môi-sinh. 10/ Tìm một giải-pháp đa-phương và thỏa-đáng cho các bên tranh-chấp.

Việt-Nam được các nước ASEAN chấp-nhận cho vào làm hội-viên năm 1991 vì lý-do bành-trướng thế-lực của Trung-Quốc tại biển Đông. Các nước nhận thấy sau khi Hoa-Kỳ ngó lơ các vụ xâm-lăng bằng vũ-lực của Trung-Quốc qua các vụ chiếm Hoàng-Sa (1974) và Trường-Sa (1988, 1992,1995). Trung-Quốc chiếm đảo Vành-Khăn gần Phi-Luật-Tân, trong khi Hoa-Kỳ bỏ Subic Bay ; biển Đông hoàn-toàn “giao” cho Trung-Quốc. Các nước ASEAN có nhu-cầu đoàn kết chống lại áp-lực và sức bành-trướng của Bắc-Kinh.

Qui-tắc này đã gây bất-lợi rất nhiều cho Việt-Nam vì các việc sau đây : Các nước Trung-Quốc và Đài-Loan luôn vi-phạm qui-ước này mà Việt-Nam không có phương-tiện trả đũa. Một thí-dụ khác bất-lợi cho Việt-Nam : Trong khi Trung-Quốc khai-thác bừa-bãi trên thềm lục-địa cũng như trong các vùng biển của Việt-Nam, phía Việt-Nam phản-đối nhưng Trung-Quốc vẫn tiến-hành việc khai-thác, không coi Việt-Nam và qui-ước hành-sử ra cái gì. Khi Việt-Nam cho khai-thác vùng Tu-Chính (trên thềm lục-địa Việt-Nam), Trung-Quốc đã lên tiếng phản-đối. Kế-hoạch hợp-tác giữa Việt-Nam với công ty xăng dầu BP của Anh Quốc trong việc xây-dựng hệ-thống dẫn khí đốt trong Biển Đông vừa mới ký-kết phải hủy-bỏ. Thí-dụ khác, Trung-Quốc và Đài-Loan liên-tục xây-dựng công-sự chiến-đấu trên các đảo mà họ kiểm-soát, vi-phạm trầm-trọng qui-tắc hành-sử, Việt-Nam hoàn-toàn bất lực trước các vi-phạm này.

IV Kết luận :
Vì sao Việt-Nam bất-lực đến mức không-thể khai thác tài-nguyên trong vùng biển của nước mình ?

Vì sao Việt-Nam không đuổi được bọn cướp đến cướp đất, cướp biển của mình ?

Vì sao người dân Việt-Nam đã không thể an-ổn làm ăn trên vùng biển mà từ ngàn xưa ông cha họ đã từng bỏ lưới đánh cá ở đó ?

Nguồn tin BBC đã dẫn ghi “Các nguồn tin quân sự nói ngày 9/7 hai tàu chiến cơ động BPS-500 của Việt Nam do Nga thiết kế đã vội vã đến hiện trường nhưng phải đứng từ xa vì hỏa lực quá mạnh từ tàu Trung Quốc.

Đại tá Nguyễn Phúc Nguyên nói: “Về lâu dài, chúng tôi cần củng cố lực lượng hải quân cũng như nâng cấp các đơn vị tuần tra ven biển.”

Câu trả lời trước tiên là hải-quân Việt-Nam quá yếu, không có khả-năng bảo-vệ dân và nước. Họ chỉ đứng xa và ngó. Việt-Nam không còn thì giờ để “củng-cố lực-lượng hải-quân” như ông đại-tá Nguyễn Phúc Nguyên nói. Việt-Nam cũng không còn thì giờ để liên-minh chiến-lược với Ấn-Độ, cho dầu Ấn-Độ rất muốn trang-bị vũ-khí nguyên-tử cho Việt-Nam để đối-trọng với Pakistan trong vấn-đề đối-đầu với Trung-Quốc. Việc liên-minh này người ta đã nói đến từ lâu, nhưng lãnh-đạo VN chọn hướng thiên-triều.

Nguyên-nhân của tình-trạng tệ-hại ngày hôm nay rõ-ràng là do những sai lầm chiến-lược của nhiều thế-hệ lãnh-đạo Việt-Nam từ nhiều thập-niên qua. Nhiều vùng biển (và vùng đất) của Việt-Nam đã và đang âm-thầm đổi chủ, trở thành biển và đất của Trung-Quốc. Việc này không phải mới đây mà đã bắt đầu xảy ra từ thập niên 50, lúc ông Hồ Chí Minh còn sống.

Ông Hồ Chí Minh có trách-nhiệm rất lớn trong vấn-đề nhượng đất và biển cho Trung-Quốc . Vì hậu quả của những công-hàm ngoại-giao ký dưới thời ông Hồ mà Trung-Quốc mới có cớ xâm-chiếm Hoàng-Sa, một số đảo thuộc Trường-Sa và đòi hỏi toàn biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Một số đất vùng biên-giới trên đất liền đã bị mất vào tay Trung-Quốc, điển hình là khu-vực Nam-Quan và thác Bản-Giốc, cũng mất dưới thời Hồ Chí Minh.

Tài-liệu “Con Hổ Và Thùng Dầu”, nguyên tác Joachim Hoelzgen, Báo Spiegel Online, CHLB Đức, ngày 25.06.2007 do Phạm Việt Vinh chuyển ngữ, đăng trên Tổ-Quốc số 21 vừa rồi có viết : Thềm lục-địa của những quốc gia vùng Đông Nam Á, các dàn khoan càng ngày càng gặp nhiều khí đốt và dầu mỏ. Việt Nam là quốc gia gặp nhiều may mắn nhất: ở đây, các bãi dầu như một tấm thảm trải dài từ Bắc chí Nam- trong đó, có cả một "supergiant field“ (bãi dầu siêu khổng lồ) tầm cỡ như ở Ả Rập Xê Út. Chắc không ai muốn “các bãi dầu như tấm thảm trải dài từ Bắc chí Nam” của Việt-Nam thuộc về Trung-Quốc.

Việt-Nam không thể bó tay, bất-lực “từ xa đứng nhìn” như hiện-tại.

Lãnh-đạo Việt-Nam hãy tức-thời mở mắt, định-hướng lại chiến-lược quốc-gia, nhận rõ đâu là bạn đâu là thù, phải coi quyền lợi dân-tộc là tối-thượng. Tình-trạng này kéo dài là mất tất cả cho Tàu.

Trước mắt, nhà-nước VN lấy bớt ngân-sách cho công-an, giải-tán ít nhất 2/3 đám côn-đồ ức-hiếp dân này, thanh-lọc, chỉ chọn những người có ý-chí phục-vụ cho dân ; lấy lại ngân-sách dành cho tổng-cục 2 (nghe nói là làm tay sai cho Tàu) ; dẹp bỏ hệ-thống đảng-ủy song song với hệ-thống nhà-nước, dẹp đám đảng-viên ăn hại đát nát, ăn bám vào dân, là gánh nặng cho đất nước ; thanh-lọc lại toàn-bộ nhân-sự bộ Quốc-Phòng, tuyển những người trong sạch, có khả-năng quân-sự, tất-cả dồn vào hiện-đại hóa quân-đội, thì rất có thể không bao lâu Việt-Nam sẽ có khả-năng làm cho đối-phương nhượng-bộ.

Trương Nhân Tuấn-Marseille, Pháp Quốc 28-07-2007

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2007 www.tdngonluan.com/Email: tdngonluan@yahoo.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.